Top 10 điều thú vị ở chùa Bánh Xèo An Giang
Đến với vùng đất “Bảy Núi” An Giang chúng ta không thể bỏ lỡ chùa Bánh Xèo. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nằm tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa mang tên độc nhất vô nhị hiển nhiên có gắn liền với lịch sử nơi đây, hằng năm có hàng ngàn du khách thập phương ghé thăm chiêm bái, cầu may mắn và có những trải nghiệm thật thú vị. Hãy cùng mình khám phá top 10 điều thú vị ở chùa Bánh Xèo An Giang nhé!
1 – Lịch sử hình thành chùa Bánh Xèo An Giang
Chùa Bánh Xèo sơ khai bởi hòa thượng của Thiện Viện Đông Lai từ Long An. Tụ tập trong một hang đá dưới chân núi Thất Sơn để người dân vùng này đến dâng hương, cầu an cho gia đình. Năm 1959, một lòng hướng Phật, người dân đã đồng tâm hiến đất để hòa thượng Thích Thiên Đạo cùng các phật tử và bà con góp sức xây Thiền Viện Đông Lai.
Lịch sử ngôi chùa đi qua rất nhiều giai đoạn lịch sử tiếp theo, cụ thể chùa là hậu phương vững chắc để tiếp tế lương thực và cung cấp thuốc Nam cho người dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1999 chùa được thượng tọa Thích Thiện Chí là trụ trì đã trùng tu, mở rộng thêm với kiến trúc độc đáo, chạm khắc nghệ thuật, không khí trang nghiêm.
2 – Chùa còn mang tên Chùa Bánh Xèo
Năm 1999 nhân dịp các Phật Tử thập phương về thăm chùa, cầu may. Sư thầy và phật tử nơi đây đã làm bánh xèo chay thiết đãi . Ban đầu các thầy chỉ làm ít để các Phật Tử thưởng thức nhưng về sau số lượng bánh xèo càng nhiều và kéo dài đến ngày nay. Cũng vì vậy chùa có tên là chùa Bánh Xèo và khi đến đây các du khách sẽ được “ăn chùa” bánh xèo Chùa.
3 – Giờ mở cửa chùa Bánh Xèo An Giang
Chùa Bánh Xèo luôn rộng cửa đón chào du khách tất cả các ngày trong tuần. Du khách đổ về đây rất đông vào cuối tuần, ngày rằm, đặc biệt là ngày ngày Tết để cầu may, qua đó có cơ hội trải nghiệm về món bánh xèo chay thú vị tại chùa.
4 – Đường đến chùa Bánh Xèo
Đường đến chùa tương đối khó đi, nên bạn chịu khó dùng Google Maps, đoạn nào không rõ thì hỏi người dân cho chắc nhé. Sau đây mình chọn vị trí xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, để di chuyển đến chùa Bánh Xèo. Bạn đi theo QL1A sau đó đến hết cao tốc Trung Lương rồi rẽ vào QL62, đi dọc theo đường liên tỉnh, đi hết đường tỉnh 954 bạn đón Phà Châu Giang để đến với TP. Châu Đốc. Để đến chùa Bánh Xèo, bạn đi tiếp Quốc lộ 91C nhé.
5 – Kiến trúc độc đáo
Chùa Bánh Xèo xây dựng theo kiến trúc độc đáo Tây Nam Bộ hòa với nghệ thuật chạm khắc theo phái Thiền Viện Trúc Lâm, khá xa lạ so với kiểu chùa kiến trúc ở miền Nam – một trong những lý do thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến vãn cảnh chùa.
6 – Góc Bếp Nhộn Nhịp
Trái ngược với không khí trang nghiêm nơi chánh điện, góc bếp của chùa nhộn nhịp hẳn với tiếng đổ bánh “ xì xèo” của những người thợ làm bánh điêu luyện trên 4 dàn chảo, mỗi dàn gồm 12 chảo bánh. Du khách đứng quay quanh các dàn chào vừa xem các người thợ đổ bánh vừa trò chuyện rôm rả với nhau tạo nên một góc bếp ấm cúng nhộn nhịp và vui vẻ.
7 – Nguyên liệu làm bánh xèo chay
Nguyên liệu làm bánh xèo chủ yếu là bột gạo, nước dừa, đậu hũ, nhân đậu, nấm mèo và bông điên điển. Ngoài ra còn có các loại rau rừng được lấy trên núi Cấm như rau kim thất mọc ven sườn núi… nên có hương vị vô cùng tươi ngon, độc đáo, hương vị làm thực khách khó quên được khi nhớ đến bánh xèo.
8 – Những đầu bếp làm bánh
Những đầu bếp làm bánh xèo tại chùa đều là các người lao động tay chân có đam mê với làm bếp và bén duyên với chùa nên tự nguyện xin vào chùa để đổ bánh, một người đầu bếp phụ trách 1 dàn chảo cùng lúc 12 cái chảo bánh xèo, mỗi người đổ liên tục 1-2 tiếng sau đó đổi cho người khác, cứ như thế các đầu bếp liên tục cho ra những chiếc bánh xèo thơm ngát, giòn rụm cho thực khách thưởng thức. Sự nhiệt tình của các đầu bếp làm bánh khiến các thực khách luôn cảm thấy thoải mái dù phải xếp hàng dài trong không gian chật hẹp.
9 – Chi phí thưởng thức bánh xèo
Các du khách thưởng thức bánh chỉ việc xếp hàng thành quanh các giàn chảo, đầu bếp sẽ đổ bánh vào đĩa cho từng người. Đặc biệt chùa sẽ không nhận lấy dù chỉ một đồng từ hoạt động này . Kinh phí để duy trì hoạt động đổ bánh xèo chay là do các Phật Tử đóng góp. Hầu như mọi người đều có lòng thành muốn đóng góp để duy trì việc làm ý nghĩa của nhà Chùa.
10 – Tự phục vụ
Mỗi người sẽ chủ động lấy bánh xèo đem về bàn trong phòng ăn và quây quần với nhau vừa thưởng thức những chiếc bánh xèo nóng hổi vừa trò chuyện với nhau, mọi người sẽ tự phục vụ và tự dọn dẹp sau bữa ăn. Đó chính là tính tự giác – một nét văn hóa rất đẹp ở “ chùa bánh xèo”.
Nếu có dịp đến với vùng đất “Bảy Núi” mọi người đừng quên ghé qua ngôi chùa Bánh Xèo An Giang độc nhất vô nhị để vãn cảnh chùa và thưởng thức những chiếc bánh xèo thơm ngon – đặc sản của miền Tây nhé.