Sự thật về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở An Giang
Chắc hẳn văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam còn là một cụm từ khá mới mẻ đối với nhiều người. Nhưng sẽ là một thiệt thòi nếu bạn quên khám phá một nền văn minh đầy thú vị này. Còn chần chừ gì mà không đến với mảnh đất xinh đẹp An Giang để tìm hiểu về vương quốc Phù Nam – một vùng đất văn hóa khảo cổ học đầy hấp dẫn đã đi vào lịch sử Việt Nam. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi khám phá những sự thật vô cùng mới lạ và thú vị của nền văn hóa này nhé!
1 – Sơ lược về văn hóa Óc Eo tại An Giang
Văn hóa Óc Eo được hình thành từ thế kỷ thứ I và phát triển tới thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Là một nền văn hóa lớn và đa dạng trong lịch sử Việt Nam, nơi đây gắn liền với con người và mảnh đất vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Kông. Ngoài ra, văn hóa này còn có mối quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ xưa. Ngày nay, An Giang là tỉnh thành còn lưu lại những khảo cổ về văn hóa này nhất tại Việt Nam. Đặc biệt không thể không nhắc đến địa điểm di tích Óc Eo tọa lạc tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. Nơi đây chính là di chỉ văn hóa có qui mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long cũng như là trung tâm nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Di tích văn hóa Óc Eo hội tụ nhiều yếu tố văn hóa cổ như văn hóa Ấn Độ cổ đại, truyền thống thời kỳ đồ đá Nam Đông Dương và cả các luồng văn hóa Địa Trung Hải và Trung Hoa, trong đó luồng văn hóa Ấn Độ đóng vai trò chủ đạo.
2 – Qúa trình lịch sử
Vào năm 1944,một nhà khảo cổ người Pháp tên là Louis Malleret đã phát hiện ra di tích Óc Eo – Ba Thê đầu tiên. Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa gắn liền với sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam – một quốc gia cổ đại được hình thành sớm và hùng mạnh nhất Đông Nam Á từ thế kỷ thứ I tới thứ VII sau Công Nguyên. Phạm vi ảnh hưởng của văn hóa này này rộng khắp, không riêng ở Nam Bộ Việt Nam mà còn ở các nước Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Thái Lan và một phần Malaysia ngày nay. Tại miền Nam nước ta, nhiều di tích của văn hóa Óc Eo đã được tìm thấy và khai quật ở các tỉnh thành như Kiên Giang, An Giang , Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ , Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An,… Trong đó trung tâm của nền văn hóa này ở Óc Eo – Ba Thê – An Giang. Với những giá trị của các di vật và di tích được tìm thấy, khu di tích Óc Eo – Ba Thê được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 27-09-2012. Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là niềm tự hào của người dân An Giang.
3 – Văn hóa sinh hoạt của người Óc Eo
Cư dân văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ăn lúa gạo là chủ yếu. Vì trong những mảnh gốm vỡ còn những vết tích của vỏ trấu. Nồi và cà ràng là những vật dụng trong bếp mà người Phù Nam thường xuyên sử dụng để đun nấu. Cà ràng chính là bếp lò, một vật dụng quen thuộc của những cư dân sống ven biển, ven sông và nhà sàn. Ngoài ra, nắp đậy được xem như là một hiện vật rất đặc sắc, nói lên được sự thông minh của cư dân Óc Eo. Nắp đậy thời này được thiết kế lõm vào trong giúp che đậy lại khít hơn. Bên cạnh đó, các vật dụng dùng để đựng như chai gốm, bình, lọ, hũ, … cũng được tìm thấy với số lượng khá nhiều.
4 – Cách cư trú của người dân thuộc văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam
Cư dân Óc Eo sống và sinh hoạt trên các nhà sàn bằng gỗ với mái lợp bằng lá hoặc ngói.
Phương tiện đi lại chính ở đây chủ yếu là thuyền bè nhằm thuận lợi cho việc đi lại trên môi trường nhiều sông ngòi kênh rạch. Còn trên đường bộ thì di chuyển bằng trâu và voi. Minh chứng là các hình dáng ngựa và bò được khắc trên các lá vàng tại các di tích Đá Nổi, Gò Xoài, Gò Tháp, Gò Thành. Xương trâu bò và voi cũng được phát hiện thấy tại các di tích cư trú và kiến trúc của văn hóa Óc Eo.
5 – Về trang phục hàng ngày
Phong cách ăn mặc của cư dân ở thời đại Óc Eo bị ảnh hưởng bởi thư tịch cổ Trung Quốc, cụ thể là phụ nữ thường mặc váy dài, phần trên phủ kín hoặc để trần còn đàn ông đóng khố ngắn, phần trên luôn để trần; và điểm chung là nam nữ đều đeo rất nhiều loại trang sức, bùa chú khác nhau trong người.
6 – Thủ tục mai táng của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam
Tro cốt của những người đã mất được đựng trong các chum nhỏ chôn trên những vị trí cao ráo. Những mộ táng được khai quật ở thời kỳ này đều là các khu hỏa táng với phần trung tâm là các hình khối dựng bằng gạch, đá.
Những vật tùy táng được tìm thấy minh chứng cư dân thời đại cổ quan niệm rằng thế giới bên kia cũng giống xã hội hiện tại. Do vậy, người đã khuất cũng mang theo bên mình các trang sức, vũ khí, chum, bình, …
7 – Phật giáo và Hindu giáo
Đây là hai đạo giáo chính mà cư dân thời đại này thờ cúng.
Hindu giáo du nhập vào Nam bộ nước ta từ những năm đầu công nguyên với ba vị thần lớn tiêu biểu là Siva ,Visnu, Brama. Ngoài ra, cư dân Óc Eo cũng thờ thêm các vị thần là vợ và con Siva, vợ Visnu. Hình tượng các vị thần này được tạc với đủ các kích cỡ to nhỏ bằng các chất liệu đồng, thiếc, đá, vàng, đất nung, được tìm thấy rất nhiều ở khắp các di tích Óc Eo, đã chứng tỏ sự phổ biến của đạo Hindu giáo ở thời đại này.
Phật giáo cũng du nhập cùng thời điểm với Hindu giáo và có thời gian làm biến chuyển Hindu giáo. Người ta tìm thấy các tượng trong thần điện Hindu giáo đã được chuyển hóa qua tượng trong thần điện Phật giáo như bồ tát 4 tay, Di lặc 4 tay…
8 – Về giao thương
Những thế kỷ đầu của Công nguyên, văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam được hình thành và phát triển không chỉ từ yếu tố có sẵn bên trong mà còn là sự tiếp thu những yếu tố mới từ nền văn minh Ấn Độ và Địa Trung Hải. Qua việc tiếp xúc với thương nhân người Ba Tư, Ấn và La Mã từ hàng trăm năm trước Công nguyên, dân cư thời đại Óc Eo đã học hỏi và cực kỳ giỏi trong vấn đề giao thương và trao đổi hàng hóa. Nơi đây trở thành một trong những cảng thị quan trọng bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Với địa hình sông nước là chủ yếu, cũng như sông ngòi , kênh rạch dày đặc, hàng hóa tại Óc eo được vận chuyển đi khắp vùng mà ngày nay nằm tại Thái Lan, Myanmar, Malaysia,… Trong đó, khu di tích Óc Eo tại An Giang là một thành phố cảng lớn bậc nhất của vương quốc Phù Nam ngày ấy, đóng vai trò giao thương quan giữa nội địa với thế giới qua đường hàng hải giữa phương Đông và phương Tây.
9 – Tiền tệ của văn hóa Óc Eo
Các loại con dấu , tiền tệ và hàng hóa của các nước như gốm, tượng đồng Ấn Độ, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy, gương đồng thời Hậu Hán hay đồng tiền vàng thời hoàng đế La Mã, …được tìm thấy hầu hết trong các di tích văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam cho ta thấy mối quan hệ cũng như địa bàn giao thương thời cư dân cổ nơi đây rất rộng lớn.
Các loại đồng tiền của vương quốc Phù Nam được làm bằng bạc hoặc kẽm, chạm khắc hình mặt trời và mề đay. thâm chí đồng được cắt làm đôi, tư, tám và 16 để thành tiền lẻ để dễ trao đổi.
10 – Thủy tinh – Nét đặc trưng của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam
Từ thời đại Óc Eo, cư dân đã tự chế tác ra được thủy tinh. Các hiện vật trang sức bằng thủy tinh được tìm thấy như nhẫn và các hạt chuỗi rất tinh tế và tỉ mỉ, được đánh giá cao về thẩm mỹ, ngay cả đến thời hiện đại ngày nay. Ngoài ra, nghề kim hoàn ở thời đại này cũng phát triển không kém.
Có thể nói, nhưng với nổ lực khai phá của chúng ta ngày nay, văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam được sống lại và mang giá trị quan trọng trong quá trình nghiên cứu lịch sử văn minh cổ thế giới. Văn hóa Óc Eo phản ánh sinh động và đầy đủ nhất về lịch sử một quốc gia cổ Phù Nam một thời đứng đầu khu vực.